Điểm danh những dự án giao thông Thừa Thiên Huế sắp triển khai?
Ngoài đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương chuẩn bị khởi công, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ đầu tư nhiều dự án giao thông quan trọng như: Tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An, đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2…
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành
Kế hoạch số 460/KH-UBND về việc triển khai Kết luận số 445-KL/TU,
ngày 13/5/2022 của Tỉnh uỷ (khoá XVI) về xây dựng hệ thống kết cấu
hạ tầng đồng bộ đến năm 2025, định hướng đến năm
2030.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, dự kiến nhu cầu vốn đầu tư hạ
tầng giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 150.000 tỷ đồng. Trong đó, nguồn
vốn ngân sách Nhà nước 71.400 tỷ đồng, chiếm 48% (ngân sách địa
phương 56.980 tỷ đồng, chiếm 38%; ngân sách Trung ương 14.420 tỷ
đồng, chiếm 10%) và vốn đầu tư ngoài ngân sách 78.600 tỷ đồng,
chiếm 52%.
Cụ thể, về phát triển hạ tầng giao thông, UBND tỉnh
Thừa Thiên Huế cho biết, sẽ tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn
chỉnh, đồng bộ theo hướng hiện đại kết cấu hạ tầng giao thông, nhất
là hệ thống giao thông đô thị, kết nối liên vùng, có tính động lực,
lan tỏa và tạo không gian phát triển mới, góp phần phát triển kinh
tế - xã hội bền vững.
Trong đó, phối hợp với các cơ quan Trung ương đôn đốc đẩy
nhanh tiến độ hoàn thành các dự án trọng điểm gồm: Mở rộng hầm
Phước Tượng - Phú Gia, Quốc lộ 49A và 49B; cao tốc Cam Lộ - La Sơn;
mở rộng nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, nâng
công suất cảng lên 9 triệu khách/năm.
Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục đầu tư hệ thống giao
thông kết nối giữa các đô thị, tạo động lực và có tính chất lan tỏa
phát triển kinh tế - xã hội như: Tuyến đường bộ ven biển và cầu qua
cửa Thuận An, đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, đường Nguyễn
Hoàng và cầu vượt Sông Hương, đường vành đai 3, đường Mỹ An - Thuận
An, đường Thuỷ Vân - Phú Đa, đường cứu hộ cứu nạn thị trấn Phong
Điền - Điền Lộc; đường phía Tây phá Tam Giang - Cầu Hai (đoạn Phú
Mỹ - Phú Đa), đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2, hạ tầng khu
đô thị mới Thuận An, hạ tầng kỹ thuật khung đi qua khu đô thị mới
Mỹ Thượng...
Cùng đó, đầu tư nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường nội thị
TP Huế như: Đường Hà Nội, đường đi bộ Hai Bà Trưng, đường Bà Triệu,
đường Nguyễn Gia Thiều, đường Lâm Hoằng nối dài; chỉnh trang, mở
rộng nút giao Trần Phú - Đặng Huy Trứ - Đoàn Hữu Trưng; các tuyến
giao thông nội thị thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, thị trấn
Thuận An, thị trấn Sịa và trục chính giao thông các huyện Phong
Điền, Quảng Điền. Triển khai dự án Chương trình phát triển các đô
thị loại II (các đô thị xanh)...
![]() |
Dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương chuẩn bị khởi
công có tổng mức đầu tư hơn 2.281 tỷ đồng, trong đó tổng mức đầu tư
giai đoạn 1 hơn 1.855 tỷ đồng. Ảnh: Phối cảnh công trình cầu vượt
sông Hương thuộc dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương
(nguồn: Internet). |
Về phát triển hạ tầng đô thị, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tập trung
hoàn thành các quy hoạch, đề án quan trọng, phát triển hệ thống đô
thị toàn tỉnh theo định hướng tại Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày
24/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, đầu tư phát triển TP
Huế về phía biển, hoàn chỉnh đô thị Thừa Thiên Huế đạt tiêu chí đô
thị loại I; thành lập thị xã Phong Điền trước năm 2025…
Song song đó, tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ và hiện đại
hạ tầng cấp điện, nước, chiếu sáng, viễn thông, thoát nước, xử lý
nước thải, chất thải rắn… phục vụ tốt dân sinh và chức năng đô thị
hiện đại, thông minh. Xúc tiến bổ sung dự án Nhà máy điện khí LNG
Chân Mây vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021
– 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, giai đoạn 2026 – 2030 cho
phép đưa vào vận hành 2 tổ máy với công suất 1.600MW, các hợp phần
còn lại với công suất 3.200MW đưa vào giai đoạn 2030 – 2045; đầu tư
xây dựng mở rộng nhà máy nước Vạn Niên công suất
120.000m3/ngày/đêm; nhà máy nước Hương Vân công suất
30.000m3/ngày/đêm…
Mặt khác, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tập trung đầu tư hạ
tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Ưu tiên hoàn
thành các trục giao thông chính quan trọng như mở rộng
hệ thống đường trung tâm đô thị Chân Mây, đường phía Đông đầm Lập
An; dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây (giai đoạn 2), đê chắn cát
Chân Mây, đường trục chính kết nối Khu du lịch Quốc gia Lăng Cô -
Cảnh Dương với Quốc lộ 1A, đường nối Khu công nghiệp - Khu đô thị
Chân Mây, đường trục chính Khu công nghiệp kỹ thuật cao và Khu đô
thị Chân Mây, đường trục chính trung tâm Khu du lịch Lăng Cô, đường
trục chính trong Khu công nghiệp La Sơn và Khu công nghiệp Phú
Đa…
Chú trọng xúc tiến đầu tư các dự án về hạ tầng cảng, hạ tầng
khu công nghiệp, khu phi thuế quan; dự án đầu tư xây dựng và kinh
doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp kỹ thuật cao Chân Mây (vị trí
1, 2, 3, 4); hạ tầng khu đô thị Chân Mây; dự án đầu tư bến du lịch
và khu hậu bến cảng phục vụ khách du lịch; đầu tư bến cảng số 4, 5,
6, 7, 8 cảng Chân Mây…
Ngoài ra, để phát triển hạ tầng thủy lợi và ứng phó biển đổi
khí hậu, tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung đầu tư nâng cấp khoảng 106km
đê biển và 86 cống trên đê; đầu tư xây dựng 30km kè chống sạt lở bờ
sông nguy hiểm tại sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu; xây dựng 13km
kè chống sạt lở bờ biển nguy hiểm, nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản
của hơn 2.500 hộ dân của 24 xã, thị trấn ven biển, ảnh hưởng hệ
sinh thái của 22.000ha vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai…
Liên Hà Thái
Bạn đang xem: Điểm danh những dự án giao thông Thừa Thiên Huế sắp triển khai?
Chuyên mục: Bất động sản
Nguồn: https://kienthuc.net.vn/nha-dat/diem-danh-nhung-du-an-giao-thong-thua-thien-hue-sap-trien-khai-1788300.html
Chia sẻ bài viết